Qua từng chương sách, “Làm sao học ít hiểu nhiều” tiết lộ cho người đọc hàng loạt phương pháp học tập tinh giản, giúp tiết kiệm thời gian, công sức học tập. Đó có thể là: Phương pháp phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, phương pháp bắt chước một cách “ngoan ngoãn”, phương pháp tìm đối tượng để học theo, chiến lược học tập của học sinh và người đi làm… Đặc biệt, tác giả còn khuyến khích bạn đọc tận dung các phương tiện truyền thông để chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau…
“Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể đăng thông tin trên Internet như: viết bài lên blog, trên Facebook, Twitter, đăng video lên Youtube… đều miễn phí. Và để có thể chia sẻ kiến thức, bạn cần phải tổ chức và tái hiện trải nghiệm, kinh nghiệm, thông tin và kiến thức của mình. Quá trình này sẽ giúp bạn tăng cường trí nhớ về điều đã học, khả năng viết lách được nâng cao… Đồng thời, nếu bạn học tập với sự đồng hành của những người mà bạn có thể chia sẻ những giấc mơ và tham vọng của mình, những khó khăn dễ dàng chuyển hóa thành niềm vui…” Zion Kabasawa hướng dẫn.
Bên cạnh đó, tác giả “Làm sao học ít hiểu nhiều” cho rằng, khi dấn thân vào sự học, mỗi người nên dốc hết sức thực hiện ngay từ bây giờ và tập trung cho hiện tại. Đừng suy nghĩ về việc còn một năm nữa sẽ đến kỳ thi, mà bây giờ hãy nghĩ “Hôm nay mình sẽ học ba tiếng”. Nỗ lực hết sức và sống cho hiện tại là bí quyết quan trọng để bạn có thể tiếp tục sự học một cách hiệu quả.
Với “Làm sao học ít hiểu nhiều”, Zion Kabasawa đã tỏ ra là một tác giả hàng đầu trong việc kết hợp kiến thức khoa học thần kinh đúc kết thành những phương pháp đơn giản, dễ áp dụng… Những kiến thức trong sách, thay vì trình bày, liệt kê một cách khô khan, nó lại được sắp xếp một cách theo trình từ logic từ bước cơ bản giúp người đọc hiểu rõ phương pháp bắt đầu học tập khởi động lại từ số 0 đến bước ngoặt cam kết học tập trong 10 năm và học tập suốt đời. Giữa nhiều đầu sách về kỹ năng, ấn phẩm đưa ra bức tranh tổng thể nhất về phương pháp học tránh lãng phí, cách người học tạo “động lực dopamine” với phương pháp “vui vẻ” hóa não bộ… từ đó, dung nạp kiến thức hiệu quả hơn.
“Học tập không phải là thứ “phải làm”, cũng không phải là “công việc”. Khi thay đổi tư duy, sự học là niềm vui, chúng ta sẽ ở trong trạng thái “cứ học thôi” và muốn học mãi không ngừng, khi đó, việc học hoàn toàn không lãng phí và chúng ta bắt đầu tiến bộ trên con đường phát triển bản thân và sự nghiệp”.
Theo Viện Sách (Ybox)